Nguồn gốc đôi đũa trong văn hóa Trung Hoa

Đôi đũa là vật dụng quen thuộc hàng ngày đối với mỗi người dân Việt Nam ta. Trong các nước Châu Á, Trung Hoa cũng là quốc gia sử dụng đũa rất phổ biến. Làng nghề Phù Khê sưu tầm được câu chuyện về nguồn gốc đôi đũa trong văn hóa Trung Hoa, xin trân trọng giới thiệu cùng quý khách tham khảo.

THUYẾT RA ĐỜI VỀ ĐÔI ĐŨA TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA

Tuy không có tài liệu nào ghi chép cụ thể về sự ra đời của dụng cụ ăn uống đậm chất Châu Á này, nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền 3 truyền thuyết về sự ra đời của nó là Đát Kỷ và đôi đũa (truyền thuyết được lưu truyền vùng Giang Tô); Đại Vũ dùng cành cây, cành trúc gắp thức ăn (truyền thuyết được lưu truyền vùng Đông Bắc); Khương Tử Nha và đôi đũa trúc.

* Truyền thuyết về Đát Kỷ

Tương truyền tại vùng Giang Tô, vua Trụ (triều đại nhà Thương) buồn vui thất thường, khi hắn ăn uống thì hoặc là chê thịt cá không tươi, khi lại mắng canh gà nóng quá, thậm chí còn bực bội vì mặt nhạt không hợp khẩu vị,… Kết quả rất nhiều ngự trù đã mất mạng dưới thái độ hách dịch của vị hôn quân này.

Yêu hồ Đát Kỷ được vua Trụ sủng ái, mỗi lần có yến tiệc, để tránh làm Trụ Vương nổi giận, Đát Kỷ đều thử đồ ăn trước. Có một lần Đát Kỷ chọn ra được vài món hợp khẩu vị nhưng thấy phần quá nóng, thời gian lại gấp không kịp cho đổi. Trong lúc vội quá Đát Kỷ liền nhanh trí rút trâm ngọc trên đầu rồi kẹp đồ ăn và thổi, sau đó mới đưa cho Trụ Vương.

Trụ Vương thấy hành động gắp đồ ăn của Đát Kỷ lạ mắt nên rất vui, từ đó ngày nào cũng yêu cầu Đát Kỷ làm như thế. Mỹ nhân này liền nhờ người thợ thủ công làm cho hai cây trâm ngọc thật dài để gắp đồ ăn. Đây chính là hình thức đầu tiên của đũa ngọc. Về sau cách gắp đồ ăn này được truyền đến dân gian, sinh ra đôi đũa trúc.

Truyền thuyết này không hợp với bằng chứng lịch sử. Giới khảo cổ học trước đây đã khai quật khu lăng mộ thời nhà Ân Thương ở khu Hầu Gia Trang, thuộc An Dương và đã tìm thấy loại đũa bằng thép, qua khảo chứng niên đại thì sớm hơn thời mạt kỳ Trụ Vương nhà Thương.

* Truyền thuyết về Đại vũ trị thuỷ

Một truyền thuyết phổ biến trong dân gian cho rằng đôi đũa được Hoàng đế Hạ Vũ tìm ra. Hạ Vũ nổi tiếng là một vị vua nhân cách đạo đức ngay thẳng và có tài chống lũ lụt.

Trong một giai đoạn lịch sử, khi đất nước mà ông trị vì liên tục bị lũ lụt nghiêm trọng đe dọa, vì quá bận rộn với công việc cải cách hệ thống những con đê để kiểm soát nước nên Hạ Vũ không thể dành thời gian để gặp vợ và con mình, không thể cùng họ dùng một bữa cơm tươm tất.

doi dua trong van hoa trung hoa 1

Một lần nọ, khi cùng những binh lính đến một hòn đảo, Hạ Vũ đích thân chuẩn bị dụng cụ nấu ăn và lửa để nấu thịt. Vì quá đói do làm việc cật lực dưới trời mưa lớn và nước ngập mọi nơi, đồng thời muốn rút ngắn thời gian ăn uống để quay lại công việc, ông đã bẻ hai nhành cây nhỏ từ một cành cây gần đó và dùng chúng để trực tiếp gắp thịt thả vào nồi nước đang sôi. Những người hầu cận và binh lính có mặt lúc đó cũng bắt chước ông. Và cây đũa đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Truyền thuyết này nếu tính theo thời gian thì lại khá hợp lý. Tuy nhiên, cũng không có gì khảo chứng chuẩn xác điều này.

* Truyền thuyết về Khương Tử Nha

Đây là truyền thuyết xuất phát từ Tứ Xuyên. Thuyết này kể, vì Khương Tử Nha quá nghèo túng, vợ của ông muốn hại chết ông để lấy người khác. Một hôm người vợ nói: “Ông đói phải không? Tôi nấu thịt cho ông rồi, mau dùng đi nhé!

Khương Tử Nha tay đang cầm miếng thịt, bỗng một con chim bay từ ngoài cửa sổ vào rồi mổ vào tay Khương Tử Nha. Khương Tử Nha đau quá kêu “ai da” một tiếng, rồi xua đuổi con chim đi. Lần thứ hai cầm miếng thịt con chim lại bay vào mổ vào tay ông. Sau ba lần liên tục, Khương Tử Nha bất giác nghi ngờ, không lẽ miếng thịt này không ăn được? Thế là Khương Tử Nha đuổi theo con chim ra ngoài, chạy đến một sườn núi không có người. Con chim lúc này đậu trên một cành trúc rồi kêu lên lảnh lót: “Khương Tử Nha ôi Khương Tử Nha, ăn thịt không được dùng tay cầm, đồ để gắp thịt ở dưới chân ta đây…”

Khương Tử Nha nghe thế thì nghĩ đây đúng là con chim thần, bèn nghe theo chỉ điểm của chim, bẻ hai nhánh trúc nhỏ rồi đi về nhà. Về đến nhà người vợ lại thúc giục ông ăn thịt, Khương Tử Nha dùng hai que trúc thò vào trong bát kẹp miếng thịt, đâu ngờ từ một đám khói xanh bốc lên từ que trúc, “tại sao que trúc lại bốc khói, không lẽ có độc?” Nghĩ thế Khương Tử Nha liền gắp miếng thịt bắt vợ ăn. Người vợ sợ hãi vội bỏ chạy đi. Câu chuyện sau đó bị nhiều người biết, vợ Khương Tử Nha không còn dám đầu độc ông nữa, còn hàng xóm láng giềng thì ai nấy học cách dùng nhánh trúc ăn cơm.

Truyền thuyết này không phù hợp với lịch sử. Khương Tử Nha sống cùng thời vua Trụ nhà Thương, đã có vua Trụ dùng đũa ngà voi, vậy thì đũa trúc của Khương Tử Nha không phải nguồn gốc đầu tiên của đũa.

Tất cả những điều trên đều chỉ là lời đồn đại và chưa hề có ghi chép lịch sử chính xác về người đã tạo ra đũa. Chúng ta chỉ có thể nói rằng chiếc đũa là phát minh của một người Trung Quốc cổ đại có bộ óc thông minh.

ĐÔI ĐUA ĐƯỢC LÀM TỪ VẬT LIỆU GÌ?

Đũa có thể được tạo ra từ nhiều vật liệu khác nhau như tre, gỗ, nhựa, sứ, bạc, đồng, ngà, ngọc, xương, thậm chí là đá. Tuy nhiên đũa tre, đũa gỗ vẫn là loại được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Trung Quốc.

doi dua trong van hoa trung hoa 2

NGHI THỨC DÙNG ĐŨA CỦA NGƯỜI TRUNG HOA

Đũa thường được giữ trong tay phải và việc sử dụng đũa bằng tay trái được coi là nghi thức không thích hợp ở Trung Quốc. Nghịch đũa được coi là một hành vi xấu còn gắp thức ăn cho người già, trẻ em sẽ được coi là lịch sự và chu đáo. Khi đi ăn với người lớn tuổi, người Trung Quốc thường để người lớn cầm đũa trước mình. Thông thường, một người chủ nhà mến khách sẽ chủ động gắp thức ăn từ đĩa vào đĩa của khách. Gõ đũa vào thành bát được cho là hành động bất lịch sự bởi vào thời cổ đại Trung Quốc, những người ăn xin thường làm vậy để thu hút sự chú ý.

Ý NGHĨA ĐẰNG SAU CỦA ĐÔI ĐŨA TRONG VĂN HÓA TRUNG HOA

Đứng ở góc độ tự nhiên, đôi đũa là thể hiện của các yếu tố của triết học Trung Hoa, đặc biệt là nhị phân âm dương. Hai chiếc đũa phải được sử dụng như một cặp, một cái giữ vững chắc trong khi cái kia di chuyển, để sử dụng. Điều này phản ánh sự hòa hợp của âm và dương như các yếu tố thụ động và hoạt động tương ứng tạo nên khái niệm về một tổng thể năng lượng.

Hình dáng phổ biến của đôi đũa thường là một đầu tròn và một đầu vuông, tượng trưng cho trời và đất. Điều này có nguồn gốc từ bát quái, một tập hợp những nguyên tắc sử dụng để coi số mệnh một người.

Khi cầm đũa đúng cách, những ngón tay tự nhiên đặt vào 3 vị trí: Ngón cái và ngón trỏ trên cao, ngón út và ngón đeo nhẫn ở dưới thấp, ngón giữa nằm ở giữa 2 chiếc đũa. Điều này không đơn giản chỉ là một quy ước bề mặt, nó còn tượng trưng cho quan niệm truyền thống của người Trung Hoa xưa về trời, đất và con người.

doi dua trong van hoa trung hoa 4

Ngón út và ngón đeo nhẫn hỗ trợ lẫn nhau dưới thấp, biểu thị cho Đạo của đất. Ngón cái và ngón trỏ tương ứng với sự linh hoạt và ổn định hoặc những luật lệ trên thiên thượng.

Ngón giữa là biểu tượng cho vị trí khó khăn nhưng danh giá của một vị vương, theo truyền thống gọi là thiên tử. Đây chính là người vừa phải đáp ứng nhu cầu, mong ước của người dân vừa phải tuân thủ đạo đức và thuận theo mệnh trời.

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng ở đôi đũa có tồn tại mối liên kết giữa trời đất và con người. Những niềm tin đó đã thâm nhập vào văn hoá và cuộc sống. Đó là từ các nghi lễ tôn giáo được tổ chức trong triều đình đến các phong tục dân gian truyền từ đời này sang đời khác trong dân chúng, lưu truyền bao đời.

ĐÔI ĐŨA ĐƯỢC DU NHẬP VÀO CÁC QUỐC GIA KHÁC TỪ KHI NÀO?

Đũa được giới thiệu đến nhiều quốc gia láng giềng khác do sự nhẹ nhàng và tiện lợi của nó. Đũa được du nhập vào bán đảo Triều Tiên từ Trung Quốc vào thời nhà Hán và nó đã được mở rộng ra toàn bộ bán đảo vào khoảng năm 600 sau Công nguyên. Đôi đũa cũng được đưa vào Nhật Bản bởi một tu sĩ Phật giáo có tên Konghai từ thời Đường. Konghai từng nói trong công việc truyền giáo của mình rằng những người sử dụng đũa sẽ được cứu chuộc. Chỉ cần sử dụng đũa, mọi người có thể được cứu vớt sau khi chết, vì vậy việc dùng đũa đã sớm lan rộng ở Nhật Bản. Sau triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đũa dần dần được đưa đến Malaysia, Singapore và các nước Đông Nam Á khác.

Ở các quốc gia Châu Á, dùng bữa với đũa dần dần trở nên phổ biến thay vì dùng dao, nĩa, bởi điều này được xem là thô lỗ. Người ta thường cắt thức ăn trước khi nấu vì các miếng nhỏ hơn có thể được nấu chín nhanh hơn. Khổng Tử là một triết gia sống vào thế kỷ thứ TCN, ông được biết đến với câu nói: “Người đàn ông lịch thiệp không cho phép đặt dao trên bàn của mình”. Tư tưởng của Khổng Tử đã được nhiều người noi theo và đũa vì thế nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến cho đến ngày nay.

BẢO TÀNG ĐŨA Ở THƯỢNG HẢI

Nếu du khách thực sự quan tâm đến những đôi đũa, du khách có thể ghé thăm Bảo tàng Đũa Thượng Hải (上海民间民俗筷箸馆). Bảo tàng quy tụ hơn 1.200 đôi đũa từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Đôi đũa cổ nhất là từ thời nhà Đường.

Trên đây là một số truyền kỳ về đôi đũa ăn hàng ngày mà Làng nghề Phù Khê sưu tầm được, chia sẻ cùng với quý khách.

 

G

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *