Hổ trong điêu khắc cổ Việt Nam
Vị chúa tể rừng xanh ấy hiện diện rất sớm trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam từ thời văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên. Tượng Hổ được đúc trên mặt trống đồng tìm thấy ở di chỉ Lãng Ngâm (Gia Bình – Bắc Ninh). Trong 3 dao găm mà khảo cổ học khai quật ở làng Vạc (Thanh Hóa) thì có 2 trường hợp tạo hình Hổ. Dao găm dài 22,2cm có cặp Rắn đỡ Hổ và dao găm dài 27,5 cm có cặp Hổ đỡ Voi được tạc trên cán đồ vật tùy thân của người xưa. Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đây vừa mang tính tả thực vừa khái quát thực tế nguyên thủy hoang dã chứa những sức mạnh bí ẩn.
Với tín ngưỡng cổ sơ, tượng ngũ Hổ được đặt thờ ở một số phủ thờ, đền miếu tượng trưng cho Âm-Dương, Ngũ hành là những những quy luật vận động và thành tố vật chất của Vũ trụ.
Có lẽ chỉ đến thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) và thời Lê sơ (thế kỷ XV) tượng Hổ gắn liền với những thần tích, huyền tích của một số nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh (vị cố vấn chính trị của hai triều Tiền Lê và Lý) thờ ở chùa Tiêu (Tương Giang, Từ Sơn-Bắc Ninh) được đúc bằng đồng trong tư thế ngài cưỡi Hổ xanh. Dân gian truyền tụng rằng: đương thời dư luận đồn đại vua Lý Công Uẩn là con đẻ của Thiền sư Vạn Hạnh. Nghe vậy, Thiền sư mới lên chùa chỉ tay vào con Hổ (đắp đất) ở trước cổng chùa mà thề: nếu kẻ tu hành này có tà tâm và luyến ái trần tục thì con Hổ đất kia mãi mãi là Hổ đất. Nhược bằng không phải như thế thì con Hổ đất sẽ hóa thành Hổ thật. Lời cầu ứng nghiệm, Hổ đất bỗng gầm lên biến thành Hổ xanh để cho Thiền sư Vạn Hạnh cưỡi. Bóc tước những lớp vỏ bọc huyền hoặc thần bí có thể giải mã hình tượng Hổ xanh thể hiện khung cảnh thiên nhiên, ngoại cảnh ngoại vật của đời sống lúc bấy giờ (vùng Từ Sơn nhất là khu vực chùa Tiêu vốn là rừng rậm, đầm lầy có thú dữ) và hành động cưỡi Hổ tượng trưng cho công quả tu hành của bậc cao tăng trí giả biết chế ngự tâm ý vô thường, bất ổn trong quá trình Thiền định.
Tượng Hổ ở lăng Thái sư Trần Thủ Độ (Vũ Thư – Thái Bình) dài 1,40m có khối hình không to hơn Hổ thực ngoài đời, nó mở đầu cho hệ thống tượng lăng mộ. Cơ thể con vật uyển chuyển nằm xoài trên bệ, dáng điệu ung dung tự tại, đầu hơi ngóc lên, mắt hướng về phía trước, đôi tai dỏng lên như đón nghe một tiếng động nào vọng từ nơi xa thẳm; tất cả được quy vào nhịp điệu và kết cấu khối đơn giản trong cơ học bản thân của mãnh thú. Trong sự tĩnh lặng như Thiền đã tiềm tàng một sức bật mạnh mẽ, siêu phàm. Cái đuôi Hổ là cả một khối kỷ hà vuông thành, sắc cạnh, gần như phi lý ấy có thể coi như một điểm nhấn ấn tượng nhất để biểu cảm sức mạnh vũ bão “vân tòng Long, phong tòng Hổ”, một khi đã quật đuôi Chúa sơn lâm xuống thì có thể bừng dậy bất thần để làm nên bao chuyện “kinh thiên động địa”. Nghệ thuật tả thực và cách điệu đã kết hợp nhuần nhị trong tác phẩm đầy màu sắc sử thi hoành tráng này. Âu cũng là một đặc trưng của điêu khắc thời Trần.
Hổ ở lăng Trần Thủ Độ có thể ví như chân dung Trần Thủ Độ – một nhân vật rường cột Nhà Trần sinh vào năm Giáp Dần năm 1194, giàu sức mạnh quyết đoán, hành động táo bạo và lắm mưu lược (thực tế Thái sư Trần Thủ Độ đã nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm (1226-1264). Công lao của Trần Thủ Độ đã được nhân dân đánh giá trên hai câu đối treo ở đền thờ ông.
Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
(Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần/Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam).
Tại lăng Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thọ Xuân- Thanh Hóa) các tượng Hổ cao 0,70m đang ngồi chầu, đầu và hai chân trước gập lại trong sự đóng kín của khối đá. Tượng Hổ liên quan đến câu chuyện trước khi sinh Bình Định Vương Lê Lợi ở khu vực Thọ Xuân có con Hổ đen thường quanh quẩn trong các xóm làng, không bắt lợn và cũng không dọa nạt ai cả. Sau khi Lê Lợi chào đời thì Hổ đen biến mất. Hổ đen ấy tượng trưng cho “bản mệnh” phi thường và quyền lực của một đế vương có công cứu nhân độ thế thoát cảnh bạo tàn của giặc Minh ở thế kỷ XV.
Bước sang thời Lê-Trịnh sau này, Hổ vẫn tiếp tục có mặt trong điêu khắc. Ở Hành cung Cổ Bi (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) phía ngoài cổng cũ còn sót lại một cặp Hổ: 1đực, 1 cái. Chúng ngồi chầu song song, dáng ngồi thẳng đứng, đuôi vắt lên thân. Hai chân trước thẳng đứng, mình thon lẳn, ngực rộng gồ múi cao, đầu nhỏ, mắt chạm hốc sâu. Chiều cao 1,20m, ngang 1m. Các nét râu đều chạm chìm, dáng điệu trông thuần dịu. Đôi Hổ này có nhiều nét giống đôi Hổ đang trưng bày ở Bảo tàng phố Hiến (Thành phố Hưng Yên).
Tóm lại, Hổ trong điêu khắc cổ Việt Nam được tạo hình phong phú đa dạng. Mỗi thời đại lại gửi gắm vào đấy những quan niệm triết lý, thẩm mỹ tinh tế, sâu sắc. Chính điều ấy làm nên hồn vía oai linh cho các pho tượng Hổ cũng như các tác phẩm nghệ thuật có dính líu đến con vật độc đáo và hàm nghĩa thiêng liêng.
( sưu tầm)